Nhiều người hay nghĩ rằng chạy bộ sau khi uống rượu sẽ giúp mồ hôi ra và nhờ thế mà chúng ta sẽ nhanh tỉnh rượu hơn. Tuy nhiên liệu đây có phải là sự thật? Chạy bộ sau khi uống bia rượu có tác hại như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Có thật là chạy bộ sau khi uống bia rượu sẽ làm cho cồn thoát ra khỏi cơ thể nhanh hơn?
Các bạn đã bao giờ cố gắng vận động hoặc ít nhất cũng đi xông hơi sau khi uống bia rượu vì nghĩ rằng như vậy sẽ giúp cồn nhanh chóng thoát ra ngoài cơ thể chưa?
Nhiều người cho rằng mồ hôi thoát ra khi vận động hoặc xông hơi đó sẽ kéo theo cả những chất cồn và giúp cơ thể chúng ta mau trở nên tỉnh táo. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Vận động hoặc xông hơi sẽ giúp cơ thể chúng ta đào thải ra những chất gây lão hóa và lượng nước không cần thiết. Điều đó đúng! Tuy nhiên, đáng tiếc là chất giúp chuyển hóa cồn là Acetaldehyde lại không được thải ra ngoài cơ thể theo đường mồ hôi. Tuyến mồ hôi ở trên da giúp đưa mồ hôi ra ngoài không có chức năng đào thải cồn và Acetaldehyde, do đó dù cho các bạn có đổ bao nhiêu mồ hôi đi chăng nữa lượng cồn ở trong cơ thể bạn cũng không thay đổi.
Lý do chạy bộ sau khi uống bia rượu là nguy hiểm
Dễ rơi vào tình trạng mất nước
Chạy bộ sau khi uống rượu bia là việc làm rất nguy hiểm. Đương nhiên không chỉ chạy bộ mà tất cả những vận động thể thao sau khi uống rượu bia đều như vậy. Nguyên nhân lớn nhất đó là cơ thể chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng mất nước.
Chất cồn khi nạp vào cơ thể sẽ làm giảm Hormone chống bài niệu (hay còn gọi là Hormone ADH). Hormone chống bài niệu là một loại Hormone hạn chế quá trình tạo ra nước tiểu. Chính vì lý do này mà khi uống bia rượu các bạn thường thấy mình đi vệ sinh nhiều hơn đúng không? Thường khi uống bia rượu, lượng nước nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước cơ thể đào thải ra, do đó sau khi uống rượu lượng nước trong cơ thể thường thấp hơn bình thường.
Nếu như các bạn chạy bộ trong tình trạng này, lượng nước trong cơ thể sẽ theo mồ hôi ra ngoài nhiều hơn nữa và kết quả là cơ thể sẽ dễ rơi vào trạng thái thiếu nước.
Sau khi uống rượu, có nhiều người thường muốn ra mồ hôi để cảm thấy nhanh tỉnh táo hơn. Tuy nhiên điều này không chỉ không giúp gì cho bạn mà việc ra mồ hôi còn khiến cơ thể chúng ta dễ rơi vào tình trạng thiếu nước. Do đó, vận động làm ra mồ hôi sau khi uống bia rượu là một việc rất nguy hiểm.
Làm chậm quá trình chuyển hóa rượu
Vận động sau khi uống bia rượu sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa chất cồn. Gan của chúng ta sẽ làm nhiệm vụ phân giải chất cồn. Máu tập trung ở gan và sẽ giúp cho quá trình phân giải này.
Tuy nhiên, nếu vận động những môn như chạy bộ, máu sẽ bị tập trung về những cơ bắp, từ đó lượng máu chuyển về gan sẽ bị ít đi. Do đó, chức năng chuyển hóa cồn của gan bị giảm đi và việc phân giải cồn cũng trở nên chậm hơn. Kết quả là cồn sẽ cần nhiều thời gian hơn để đào thải ra khỏi cơ thể và chúng ta sẽ dễ bị mệt kéo dài đến tận hôm sau.
Áp lực lên tim lớn hơn
Uống bia rượu làm cho nhịp tim tăng lên. Chạy bộ cũng làm nhịp tim tăng. Chạy bộ sau khi uống bia rượu không chỉ làm tăng nhịp tim mà còn gây ra áp lực lớn đến tim. Hơn nữa, chạy bộ trong trạng thái này còn khiến huyết áp tăng cao và đây cũng là nguyên nhân làm cho tim phải chịu một áp lực lớn hơn.
Tăng khả năng bị chấn thương
Vận động sau khi uống bia rượu làm tốc độ tuần hoàn của máu tăng lên và điều này sẽ làm cho cơ thể của chúng ta bị “ngấm rượu” cũng nhanh hơn. Khi đầu óc không còn tỉnh táo như bình thường thì đương nhiên là khả năng bị chấn thương trong khi luyện tập cũng sẽ trở nên cao hơn. Quan trọng hơn cả là khi say phản xạ của con người trở nên chậm hơn bình thường, do đó chúng ta có thể bị dính những chấn thương mà khi tỉnh táo ta sẽ không bao giờ bị.
Sau khi uống rượu bia, cần nghỉ bao lâu là đủ?
1 lon bia to (500ml) cần nghỉ khoảng 3-4 giờ
Thời gian cần thiết để cơ thể đào thải lượng cồn được tính bằng công thức ”Lượng cồn chuẩn đã nạp vào cơ thể ÷ Khối lượng Cồn tiêu hóa được trong 1 giờ”. Lượng cồn chuẩn ở đây bằng “Nồng độ cồn ÷ 100 x Khối lượng đã uống (ml) x 0.8”. Khối lượng cồn tiêu hóa được trong 1 giờ chính là “Số cân nặng (kg) x 0.1”.
Lấy ví dụ một người nặng 60kg thì khối lượng cồn cơ thể tiêu hóa được trong 1 giờ là 6g. Người đó uống 1 lon bia 500ml với nồng độ cồn là 5%. Tính theo công thức ở trên thì lường cồn chuẩn nạp vào cơ thể là 20g. Do đó, người này cần hơn 3 giờ để tiêu hóa hết lượng cồn này.
Thời gian cơ thể cần để đào thải cồn ở mỗi người khác nhau
Công thức tính toán ở trên chỉ mang tính chất tương đối. Tốc độ chuyển hóa cồn ở mỗi người là khác nhau. Những người uống rượu hay bị đỏ mặt hoặc những người uống rượu yếu thì thời gian cần để đào thải cồn ra khỏi cơ thể thường lâu hơn. Ngược lại, những người uống rượu tốt là những người có tốc đổ chuyển hóa cồn nhanh.
Ngày nào đã uống rượu thì nên nghỉ chạy
Thông thường thì chúng ta thường uống bia rượu vào buổi tối. Chỉ với 500ml bia cơ thể của chúng ta cũng cần 3-4 giờ để thải ra hết.
Nếu như các bạn đang chạy bộ buổi tối thì tốt nhất các bạn không nên chạy bộ vào những ngày đã uống bia rượu. Nếu như cố gắng chạy bộ thì không chỉ chúng ta sẽ không đạt được kết quả như mong muốn và sẽ còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng giống như đã phân tích ở trên.
Uống nhiều và chạy bộ vào sáng hôm sau cũng cần chú ý
Ngay cả trường hợp các bạn uống rượu vào buổi tối, ngủ sau đó chạy bộ vào sáng hôm sau thì khả năng chất cồn chưa được đào thải hết là rất cao. Ví dụ như các bạn là người nặng 60kg và các bạn uống khoảng 5 lon bia (loại 330ml) thì các bạn sẽ cần 10 giờ đồng hồ để cho những chất cồn đó đào thải hết ra khỏi người. Hơn nữa đó chỉ là lý thuyết thôi, khi các bạn ngủ tốc độ phân giải cồn của cơ thể giảm đi, điều đó có nghĩa là các bạn sẽ cần nhiều hơn số thời gian để cồn có thể đào thải hết khỏi cơ thể của mình.
Do đó, nếu như buổi tối các bạn uống nhiều, thì sáng hôm sau các bạn nên nghỉ ngơi chứ đừng cố gắng chạy bộ nhé!